PHƯỜNG TRẦN HƯNG ĐẠO TUYÊN TRUYỀN VỀ THỰC HIỆN QUYỀN TRẺ EM, CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI, TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRẺ EM
I. TUYÊN TRUYỀN VỀ THỰC HIỆN QUYỀN TRẺ EM
1.Thông tin chung
Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.
Quyền trẻ em là quyền con người được áp dụng dành riêng cho trẻ em để đảm bảo trẻ em được sống, phát triển lành mạnh, an toàn và được ghi nhận, bảo đảm bằng hệ thống pháp luật.
Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em có 25 quyền (từ Điều 12 đến Điều 36), theo đó phân thành 04 nhóm quyền: Quyền sống còn, quyền bảo vệ, quyền phát triển và
2. Sự cần thiết bảo đảm thực hiện quyền trẻ em
Thứ nhất: đưa chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào đời sống thực tiễn.
Thứ hai: bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Thứ ba: thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em.
Thứ tư: xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, tạo điều kiện tốt cho sự phát triển giáo dục nói chung và đặc biệt cần thiết cho giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế của giáo dục hiện nay.
3. Trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện quyền trẻ em
3.1.Trách nhiệm đảm bảo quyền được khai sinh
Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em; vận động cha mẹ, người giám hộ khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn.
3.2.Trách nhiệm đảm bảo quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng
– Cha mẹ, người giám hộ là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em;
– Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
– Trong trường hợp cha mẹ ly hôn hoặc trường hợp khác, người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên phải có nghĩa vụ đóng góp để nuôi dưỡng con đến tuổi thành niên, có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục con.
– Cha mẹ có trách nhiệm bảo đảm điều kiện để trẻ em được sống chung với mình.
3.3.Trách nhiệm đảm bảo quyền bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự
– Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em.
– Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
3.4. Trách nhiệm bảo đảm quyền chăm sóc sức khỏe
– Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm thực hiện những quy định về kiểm tra sức khỏe, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em.
– Cơ sở y tế công lập có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh, chữa bệnh cho trẻ em.
– Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức y tế học đường.
3.5. Trách nhiệm bảo đảm quyền được học tập
Gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; học hết chương trình giáo dục phổ cập; tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn.
3.6. Trách nhiệm bảo đảm quyền vui chơi, giải trí
– Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ em được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật , thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi.
– Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quy hoạch, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em thuộc phạm vi địa phương.
3.7. Trách nhiệm bảo đảm quyền phát triển năng khiếu
Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm phát hiện, khuyến khích, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của trẻ em.
3.8. Trách nhiệm bảo đảm quyền dân sự
– Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật.
– Cha mẹ, người giám hộ hoặc cơ quan, tổ chức hải quan phải giữ gìn, quản lý tài sản của trẻ em và giao lại cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
3.9. Trách nhiệm bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội
Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện, giúp đỡ trẻ em được tiếp cận thông tin phù hợp, được phát triển tư duy sáng tạo và bày tỏ nguyện vọng; có trách nhiệm lắng nghe và giải quyết nguyện vọng chính đáng của trẻ em.
II. TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM
1.Xâm hại trẻ em là gì?
Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.
2. Các hình thức xâm hại trẻ em
Xâm hại trẻ em có 4 hình thức chủ yếu gồm: Đó là xâm hại thể chất, xâm hại tinh thần, sao nhãng và xâm hại tình dục.
a) Xâm hại thể chất
– Xâm hại thể chất xảy ra khi một người làm tổn thương hay đe dọa làm tổn thương một trẻ em.
– Xâm hại thể chất bao gồm: đánh, đấm, đá, đẩy, đốt, bóp cổ, ghì, đè, đầu độc hoặc khống chế không cho trẻ cử động.
b) Xâm hại tinh thần
– Xâm hại tinh thần là sự ngược đãi nghiêm trọng và dai dẳng về tâm lýgây tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Biểu hiện: Có thể là mắng chửi, sỉ nhục, đe dọa, trêu chọc, chế giễu, hăm dọa hoặc xa lánh trẻ.
c) Sao nhãng
Sao nhãng là thiếu một cách nghiêm trọng sự quan tâm chăm sóc về các nhu cầu cơ bản của trẻ. Ví dụ: Thiếu sự bảo vệ trẻ để bị nguy hiểm, từ chối chăm sóc y tế hay những nhu cầu căn bản (như đồ ăn, quần áo, nơi trú ngụ, hoặc chăm sóc tinh thần).
d) Xâm hại tình dục
– Xâm hại tình dục trẻ em là khi một ai đó lạm dụng quyền lực hoặc lợi dụng sự tin tưởng của trẻ để lôi kéo trẻ vào hoạt động tình dục.
– Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm tất cả các hành vi tình dục không mong muốn, bao gồm cả hành vi xâm hại có thể tiếp xúc hay hành vi xâm hại không tiếp xúc.
– Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm: sản xuất những hình ảnh, video có tính chất xâm hại trẻ em; ép buộc trẻ em hay tham gia các hoạt động tình dục hoặc ép buộc trẻ em quan hệ tình dục hoặc lôi kéo trẻ vào các hành vi tình dục với trẻ em khác hoặc người lớn.
3. Các hình thức xâm hại tình dục trẻ em
* Xâm hại tình dục không tiếp xúc trực tiếp
+ Phô bày thân thể cho trẻ thấy.
+ Cho trẻ xem phim, ảnh khiêu dâm.
+ Cho trẻ thấy các hành vi của quá trình giao cấu.
+ Thủ dâm trước mặt trẻ.
+ Nhìn trộm khi trẻ tắm/thay đồ.
+ Nhận xét dâm dục về cơ thể của trẻ.
* Xâm hại tình dục có thể tiếp xúc trực tiếp
– Ép trẻ chạm vào bộ phận sinh dục người lớn.
– Sờ, vuốt ve những bộ phận kín và nhạy cảm của trẻ hoặc sờ, vuốt ve vào những bộ phận trên cơ thể trẻ mà có tác động gây hưng phấn tình dục.
– Hôn trẻ để thỏa mãn nhu cầu tình dục.
– Tìm cách xâm nhập vào vùng kín hoặc hậu môn của trẻ bằng những dụng cụ không vì mục đích chữa bệnh.
– Quan hệ tình dục.
4.Các kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ em
4.1. Nhận diện kẻ có nguy cơ xâm hại mình
Người đó có thể là bất cứ ai, nam hay nữ, trẻ hay già, quen hay lạ, người trong gia đình hay ngoài gia đình. Nếu có những biểu hiện sau thì hướng dẫn trẻ cần đề phòng:
– Người đó có những đụng chạm, vuốt ve khiến trẻ khó chịu, sợ hãi, bối rối, tức giận, cảm thấy không an toàn.
– Người đó nhìn chằm chằm hay đụng chạm vào vùng đồ lót của trẻ.
– Người đó yêu cầu trẻ đụng chạm vào vùng đồ lót của họ.
– Người đó rủ trẻ xem phim có những hình ảnh hở hang và cảnh quan hệ tình dục.
– Người đó rủ trẻ đi chơi một mình và dặn trẻ phải giữ bí mật.
– Người đó thường tặng quà, quan tâm hơn mức bình thường để tìm cơ hội gần gũi trẻ nhằm thực hiện các hành vi trên.
4.2. Những việc cần làm đối với trẻ
– Không cho ai được phép tự tiện đụng chạm, nựng nịu, bẹo má, vuốt ve, chụp ảnh nếu trẻ không đồng ý. Trẻ hãy nói KHÔNG với những đụng chạm không an toàn khiến trẻ sợ hãi, đau đớn, bối rối… dù đó là ai đi nữa.
– Không ở một mình trong phòng với người khác mà không rõ lý do. Không đeo đồ trang sức quý.
– Khi rời khỏi nhà, trẻ luôn đi cùng người thân, thầy cô, hay nhóm bạn bè vì kẻ đó có ý đồ xấu thường tấn công những người cô độc.
– Sử dụng mạng xã hội một cách thận trọng chỉ kết bạn với ai trẻ biết rõ.
– Khi tiếp xúc với một người mà trẻ cảm thấy mất an toàn, khi trong lòng trẻ nghi ngờ kẻ đó có nguy cơ xâm hại, hãy:
+ Đứng dậy ngay.
+ Lùi ra xa để kẻ đó không thể với tay đến người trẻ.
+ Nhìn thẳng vào kẻ đó, hét to và cương quyết “KHÔNG”.
+ Bỏ đi ngay. Nếu không thể rời khỏi thì tìm các chướng ngại vật để ngăn cách giữa mình với kẻ đó, tỏ thái độ phòng vệ chứ không sợ hãi. Ở những nơi có camera quan sát, trẻ hãy di chuyển về phía đó để có “con mắt thứ ba” canh giữ trẻ.
+ Kể với người đáng tin cậy về sự việc trên. Nếu người thứ nhất không tin thì kể với người thứ hai, người thứ ba… cho tới khi có người tin và giúp đỡ.
4.3. Dạy trẻ quy tắc bàn tay giao tiếp qua 5 ngón tay
Quy tắc bàn tay giao tiếp là một trong những quy tắc cực kì quan trọng trong việc giúp trẻ nhận thức được sự quan trọng trong từng mối quan hệ được tiếp xúc thế nào và từ đó ngăn ngừa bởi những người không đáng tin.
Cha mẹ, thầy cô cần dạy trẻ biết quy tắc bàn tay giao tiếp (mỗi ngón tay là 1 quy tắc) theo hướng dẫn sau đây:
– Ngón cái đưa lên: chỉ ôm hôn những người thân ruột thịt trong một nhà (anh chị em ruột, bố mẹ, ông bà) mới được ôm hôn mình để thể hiện tình yêu thương với trẻ.
– Ngón trỏ đưa trên: chỉ khoác tay, nắm tay với những người trong họ hàng, thầy cô, bạn bè. Nếu ai vượt giới hạn này như ôm hôn trẻ thì phải có bố mẹ, nếu không hãy nói KHÔNG.
– Ngón giữa đưa lên: trẻ chỉ bắt tay giao thiệp khi gặp người mà mình quen biết.
– Ngón áp út đưa lên: vẫn tay xin chào thể hiện sự thân thiện và hiếu khách nếu gặp người lạ đến nhà hoặc ngoài phố.
– Ngón út: hãy nhắc trẻ luôn nhớ ngón này. Trẻ cần xua tay từ chối (nói không) để phòng tránh nguy hiểm, tránh xâm hại nếu người lạ đang muốn tiếp xúc. Hãy dạy trẻ phải biết xua tay và không tiếp xúc hoặc nếu nguy cấp, phải biết hét to để cầu cứu, báo động và bỏ chạy nếu có người xa lạ chưa từng gặp tiến lại gần và có những cử chỉ thân mật quá mức khiến trẻ bất an, khó chịu.
4.4. Dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm trên cơ thể
Kỹ năng đầu tiên về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em mà các bậc cha mẹ cần dạy cho con mình đó là những kiến thức về giới tính và nhận biết các vùng nhạy cảm trên cơ thể như: vùng mặt và vùng cơ thể…
Nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được mức độ nghiêm trọng của vấn đề do còn quá nhỏ và thiếu hiểu biết về các vấn đề trên. Thế nên những kẻ biến thái có thể dễ dàng đụng chạm vào cơ thể trẻ mà trẻ không nhận thức đó là vùng cấm.
Cha mẹ, thầy cô cần chú tâm hơn trong việc giáo dục giới tính cho trẻ, dù ở độ tuổi nào trẻ em cũng cần biết tùy theo mức độ.
Hãy chỉ cho trẻ nhận biết rằng các vùng nhạy cảm trên cơ thể là nơi quan trọng nghiêm cấm bất kỳ ai động chạm. Kể cả cô chú người thân quen có xin phép thì dạy trẻ cách từ chối và nhớ quy tắc bàn tay giao tiếp để cân nhắc về mối quan hệ.
4.5. Không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác
Bên cạnh việc dạy trẻ tự bảo vệ cơ thể của mình rồi thì các bậc cha mẹ, thầy cô cũng cần dạy trẻ chú ý không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, đặc biệt là người khác giới.
Tuyệt đối không nên tò mò về cơ thể người khác để tránh bị lợi dụng, dụ dỗ hay vô tình kích thích thú tính của những kẻ xấu xa.
5. Trách nhiệm của cộng đồng, gia đình và trẻ em trong việc ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em
5.1. Đối với cộng đồng
– Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục phòng chống xâm hại trẻ em cho các bậc cha mẹ, trẻ em và người dân ở trong cộng đồng đặc biệt là việc tuyên truyền về việc phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em và thông báo số điện thoại của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoặc người làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em và UBND phường.
– Tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng cuộc sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng tổ dân phố văn hóa gia đình văn hoá.
– Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh, thiếu niên.
– Tạo dư luận xã hội lên án những hành vi XHTDTE.
– Tích cực tham gia tố giác, lên án tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
– Tăng cường phối hợp giáo dục 3 môi trường: gia đình- nhà trường- xã hội.
5.2. Đối với gia đình
– Xây dựng và giữ gìn sự bình yên, hạnh phúc của tổ ấm gia đình.
– Thường xuyên giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho trẻ em.
– Không để trẻ em lang thang, lao động kiếm sống xa gia đình.
– Hướng dẫn trẻ em đọc sách báo, xem phim ảnh có nội dung lành mạnh, không tiếp xúc với phim ảnh khiêu dâm, bạo lực.
– Thường xuyên gần gũi, trò chuyện với trẻ, trang bị cho các em kiến thức cơ bản về giới tính, hướng dẫn các em cách tự bảo vệ, chủ động phòng tránh bị xâm hại.
5.3. Đối với trẻ em
– Không đi một mình hoặc ở một mình ở nơi vắng vẻ, tối tăm, hoặc đi với người không đáng tin cậy.
– Không ăn mặc hở hang và có cử chỉ khêu gợi, không gần gũi quá mức với người khác giới.
– Cảnh giác với các thủ đoạn: lừa gạt, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc xem tranh ảnh, băng hình khiêu dâm, đồi trụy, mời mọc, rủ rê dùng các chất kích thích hoặc đụng chạm vào những chỗ kín trên cơ thể.
– Biết từ chối, kêu to, hoặc bỏ chạy khi có dấu hiệu bị khiêu dâm, lạm dụng…
– Khi bị xâm phạm tình dục cần nói cho người tin cậy, bố mẹ, người thân hoặc hỏi địa chỉ, điện thoại tư vấn hỗ trợ trẻ em để nhờ sự giúp đỡ.
6.Những việc cần làm của gia đình để giúp trẻ em bị xâm hại tình dục
– Quan tâm, gần gũi, động viên, an ủi làm giảm sự căng thẳng về tinh thần của trẻ.
– Không nên trách mắng đổ lỗi cho trẻ, cần làm cho các em tin rằng không phải lỗi do các em.
– Khuyến khích trẻ em trao đổi, nói chuyện, kể lại sự việc, lắng nghe và tin tưởng các em.
– Tìm hiểu rõ sự việc để giúp trẻ vượt qua những tổn thương về tinh thần và thể chất, nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.
– Chăm sóc, cảm thông, không để trẻ cô đơn, mặc cảm, tránh bàn luận, nói bóng gió gây tổn thương thêm cho trẻ bị xâm hại.
– Nếu trẻ bị tổn thương về cơ thể cần đưa các em đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
– Hướng dẫn cách đề phòng để tránh sự việc có thể lặp lại.
– Tìm người giúp đỡ, hướng dẫn và tư vấn khi cần thiết.
– Kịp thời phát hiện, tố cáo kẻ phạm tội trước cơ quan pháp luật.
7.Cơ quan, đơn vị tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm xâm hại trẻ em.
Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho một hoặc nhiều kênh sau: cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp, cơ quan công an các cấp, Uỷ ban nhân dân phường nơi xảy ra vụ việc, số điện thoại của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (tổng đài 111 hoạt động 24h tất cả các ngày trong tuần, các cuộc gọi đến số điện thoại của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được miễn phí viễn thông và phí tư vấn).
III. TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG, TRÁNH TAI NẠN THƯƠNG TÍCH ĐỐI VỚI TRẺ EM
1. Tai nạn là gì ?
Theo Tổ chức Y tế thế giới: “Tai nạn là một sự kiện không định trước gây ra thương tích có thể nhận thấy được”.
2. Thương tích là gì ?
Thương tích có thể được hiểu là tổn thương của cơ thể do sự va đập, cọ sát hay do vật dày, vật nhọn, vật có cạnh sắc gây ra hậu quả là rách da, gây chảy máu, gẫy xương, giập nát các cơ quan, phủ tạng.
Thương tích nặng có nguy cơ làm chết người.
3. Các tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em
Chấn thương do tai nạn giao thông; ngã; ngộ độc cấp; đuối nước; bỏng; tắc đường thở; động vật cắn; điện giật; vật sắt nhọn cắt, đâm.
4.Những điều cần biết khi xử lý tai nạn xảy ra
Trẻ em dễ bị tổn thương tinh thần và thể chất hơn người lớn. Khi gặp tai nạn các em hay bị hoảng loạn tinh thần, bị sốc mạnh. Giúp đỡ các em về mặt tâm lý là hết sức cần thiết khi tai nạn xảy ra. Cần có những lời nói, cử chỉ, hành động thể hiện sự cảm thông với những bất hạnh mà trẻ gặp phải. Tạo cho trẻ có được niềm tin được giúp đỡ, che chắn, bảo vệ. Dành nhiều thời gian gần gũi đối với trẻ bị sốc mạnh, nhằm rút ngắn thời gian bị khủng hoảng tinh thần để trở lại trạng thái bình thường.
Giúp đỡ và sơ cứu người bị tai nạn, đặc biệt là trẻ em là một việc làm cấp thiết và là trách nhiệm của mọi người. Sơ cứu là những động tác đầu tiên trợ giúp hoặc cứu chữa đầu tiên cho người bị tai nạn thương tích trước khi được cứu chữa y tế. Sơ cứu nhằm mục đích:
– Bảo toàn tính mạng cho nạn nhân.
– Bảo vệ các tổn thương không nặng hơn.
– Tạo điều kiện ban đầu cho nạn nhân hồi phục và không bị tử vong.
5. Một số biện pháp cụ thể để phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em
5.1. Phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ em.
* Người chăm sóc trẻ cần chú ý:
– Trẻ em không đi xe đạp hàng ba. Không đùa nghịch đu bám tàu xe. Không đua xe, không phóng nhanh vượt ẩu.
– Không điều khiển xe sau khi uống bia, rượu, đồ uống có cồn.
– Mọi người khi tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành luật an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi khi đi xe máy.
– Trẻ nhỏ khi qua đường cần có người lớn đi kèm.
– Phải làm hàng rào, cổng, cửa chắn nếu nhà gần đường giao thông đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ.
* Cách sơ cấp cứu:
– Khi trẻ bị tai nạn giao thông cần nhanh chóng sơ cứu cầm máu vết thương.
– Nếu bị chấn thương vào đầu hoặc nghi ngờ có gãy xương cần cố định và bất động nạn nhân, gọi người có chuyên môn y tế giúp đỡ sau đó nhanh chóng chuyển trẻ bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất.
5.2. Phòng tránh đuối nước cho trẻ em
Trẻ nhỏ sức yếu nên rất dễ bị ngạt thở khi ngã xuống nước, dù rất ít nước trẻ cũng có thể bị chết đuối.
* Người chăm sóc trẻ cần chú ý:
– Luôn để mắt đến trẻ, không để trẻ chơi đùa một mình bên cạnh các vật dụng chứa nước như chum, vại, bể nước, hố nước, giếng nước.
– Không cho trẻ đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn đi kèm.
– Nên rào quanh ao, hố nước, hố sâu, hố vôi và lấp kín các hố và rãnh nước sau khi sử dụng.
– Nên làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, chum vại.
– Người lớn phải đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.
– Phải mặc áo phao cho trẻ khi tham gia giao thông đường thủy.
– Nên dạy trẻ tập bơi lội khi trẻ được 6 tuổi trở lên.
* Cách sơ cấp cứu:
– Cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước, làm thông đường thở.
– Nếu trẻ đã bất tỉnh phải hà hơi thổi ngạt một cách kiên trì sau đó nhanh chóng chuyển trẻ bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất.
5.3. Phòng tránh ngộ độc cho trẻ em
* Người chăm sóc trẻ cần chú ý:
– Phải cách ly hoặc để xa tầm với của trẻ các loại thuốc, hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc chuột, thuốc chữa bệnh, bình xịt muỗi, thuốc tẩy rửa v.v.
– Hướng dẫn và thực hành cho trẻ ăn, uống sạch, không ăn thức ăn lạ, thức ăn ôi thiu, nấm lạ…
– Không sử dụng các vật chứa hóa chất để đựng đồ ăn, thức uống.
– Không sử dụng các vật đựng đồ ăn thức uống để chứa các chất khác như xăng, cồn, dầu hỏa.
Nếu nghi ngờ trẻ uống nhầm phải thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, ăn phải nấm độc…thì bằng mọi cách gây nôn ngay cho trẻ và cho uống than hoạt tính. Sau đó chuyển ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
5.4. Phòng tránh ngã cho trẻ em
Trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy, leo trèo nên rất dễ bị ngã. Ngã là loại tai nạn thương tích dễ gặp và dễ gây những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
* Người chăm sóc trẻ cần chú ý:
– Thường xuyên nhắc nhở trẻ không chạy nhảy, nô đùa, xô đẩy nhau khi ở nhà, ở trường, trên đường đi học, đi chơi.
– Dạy trẻ không được leo trèo: trèo cây, trèo tường, cột điện, cầu thang…
– Võng mắc cho trẻ phải thấp và có dây buộc 2 mép võng khi trẻ ngủ trong võng. Không cho trẻ nhỏ đùa nghịch, đu võng…
– Đảm bảo các bậc thềm, bậc cầu thang không trơn trượt, không quá dốc, quá hẹp.
– Luôn giữ sàn nhà, nhà tắm, sân khô ráo không trơn trượt, không mấp mô lồi lõm.
* Cách sơ cấp cứu:
– Quan sát, tìm hiểu nguyên nhân gây cho trẻ ngã để có cách xử lý thích hợp.
– Nếu chấn thương nhẹ như bầm, tím, xây sát da thì phải rửa bằng nước sạch, sát trùng và băng lại.
– Nếu chấn thương nặng như gãy xương, chảy máu thì phải cố định xương và cầm máu bằng cách băng ép sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
5.5. Phòng tránh bỏng cho trẻ em
Bỏng rất nguy hiểm, nếu bỏng nặng có thể để lại di chứng như sẹo, co rút cơ, gây tàn phế suốt đời hoặc gây chết người. Trẻ em, đặc biệt từ 2 – 5 tuổi dễ bị bỏng vì tính trẻ hiếu động, tò mò và do sự bất cẩn của người chăm sóc trẻ.
* Người chăm sóc trẻ cần chú ý:
– Phải làm cửa chắn quanh khu vực nấu ăn.
– Phải để xa tầm với của trẻ đối với thức ăn, đồ uống mới nấu như nồi canh, nồi cơm, nước sôi, phích nước nóng, vật dễ cháy nổ như ga, xăng, cồn…
– Luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống.
– Hướng dẫn trẻ không nghịch lửa và các vật dễ cháy nổ như diêm, bật lửa, xăng dầu.
* Cách sơ cấp cứu: Khi trẻ bị bỏng, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng, ngâm vùng cơ thể bị bỏng hoặc dưới vòi nước mát trong vòng 20- 30 phút, sau đó chuyển trẻ bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
5.6. Phòng tránh động vật cắn, đốt, húc trẻ em.
* Người chăm sóc trẻ cần chú ý:
– Không cho trẻ trêu chọc các con vật như chó, mèo, không phá tổ ong.
– Dạy trẻ không chơi gần bụi rậm đề phòng rắn cắn.
– Đi ra ngoài buổi tối với trẻ nên có đèn hoặc khua gậy khi đi qua bụi rậm.
– Không cho trẻ đứng hay đùa nghịch trên lưng trâu, bò.
– Phải tiêm phòng đầy đủ cho các vật nuôi như chó, mèo.
* Cách sơ cấp cứu: Rửa vết cắn bằng nhiều nước và xà phòng, nếu cần có thể sử dụng bất cứ loại nước sạch có sẵn rồi chuyển trẻ tới cơ sở y tế.
5.7. Phòng tránh điện giật cho trẻ em.
Điện giật rất nguy hiểm vì gây bỏng, tổn thương thần kinh và dễ gây chết người.
* Người chăm sóc trẻ cần chú ý:
– Để ổ điện lên cao, ngoài tầm với của trẻ.
– Dùng ổ cắm điện có nắp đậy hoặc lấy băng dính dán kín những ổ cắm điện ít dùng đến.
– Cấm dùng dây điện không có phích để cắm trực tiếp vào ổ điện.
– Phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện đề phòng bị hở.
– Dạy trẻ và không để trẻ chơi gần máy thủy điện nhỏ, trạm điện, biến thế điện.
– Dạy trẻ và hướng dẫn trẻ tránh xa nơi dây điện đứt rơi xuống.
– Không để trẻ trèo cột điện, thả diều gần đường dây điện.
– Hướng dẫn trẻ khi trời mưa to, giông bão phải chạy ngay vào trong nhà, không được đứng ngoài đồng trống, không được trú, nấp dưới gốc cây to để phòng sét đánh.
* Cách sơ cấp cứu:
– Quan sát đảm bảo an toàn và bằng mọi cách tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện.
– Nếu trẻ đã bất tỉnh phải kêu gọi mọi người giúp đỡ, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt theo các bước dưới đây, cần làm ngay lập tức và kiên trì. Sau đó, khi thấy nạn nhân hồi tỉnh sẽ chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
5.8. Phòng tránh ngạt, tắc đường thở cho trẻ em
Trẻ nhỏ rất dễ bị ngạt và tắc đường thở khi nuốt hoặc nhét các vật gây tắc đường thở vào miệng, mũi.
* Người chăm sóc trẻ cần chú ý:
– Cho trẻ ăn thức ăn đã nghiền nhuyễn, không lẫn xương, lẫn hạt.
– Để ngoài tầm với của trẻ các vật dễ nuốt như đồng xu, kim băng, cúc
áo, hạt trái cây, lạc…
– Không để trẻ nhỏ vừa ăn vừa cười đùa.
– Dạy trẻ không nên chơi trò dùng túi ni lông, chăn, gối để chụp lên đầu nhau.
* Cách sơ cấp cứu:
– Nhanh chóng lấy dị vật ra khỏi mũi, miệng của trẻ.
– Để trẻ cúi hoặc nằm sấp trên đùi bạn, đầu thấp hơn cơ thể. Vỗ mạnh nhiều lần vào lưng giữa hai vai trẻ để dị vật bật ra ngoài.
– Nếu trẻ bất tỉnh phải hà hơi thổi ngạt như các bước dưới đây và khi trẻ thở được thì chuyển ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
5.9. Phòng tránh vật sắc nhọn cắt, đâm
Trẻ nhỏ rất thích tiếp xúc với mọi vật nên có nguy cơ cao bị các vật sắc nhọn cắt, đâm vào người.
* Người chăm sóc trẻ nên hết sức chú ý:
– Để lên cao, an toàn hoặc có giá treo ngoài tầm với của trẻ các vật dụng sắc nhọn trong gia đình như dao, kéo, rìu, cưa, cung nỏ, liềm…
– Không cho trẻ chơi với các vật dụng sắc nhọn trong gia đình hoặc chơi ở nơi có nhiều vật dụng sắc nhọn xung quanh như mảnh kính vỡ, đá nhọn…
* Cách sơ cấp cứu: Nhanh chóng rửa sạch, sát trùng và cầm máu vết thương, sau đó đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
L. N. Phước